Tại sao con người lại yêu thích công nghệ cảm ứng?

Mr Đông 23/11/2020

man-hinh-cam-ung

Dạo gần đây, chúng ta thường hay nói với nhau rằng “Hãy đặt màn hình điện thoại xuống, tắt màn hình máy tính đi, ra ngoài và tận hưởng cuộc sống xung quanh”. Nhưng tiếc là, khi bạn ra ngoài, đến một quán cafe, đến một trung tâm thương mại hoặc đơn giản là rong ruổi trên đường phố, bạn cũng vẫn sẽ bắt gặp những thiết bị tương tự như chiếc smartphone của mình.

Ngoài những chiếc smartphone mà mọi người xung quanh bạn đang sử dụng, các màn hình quảng cáo, màn hình tương tác, biển chỉ dẫn, màn hình order đồ uống, thiết bị đặt vé xe cho đến cả máy sát khuẩn tay, cũng đều sử dụng màn hình cảm ứng.

Và giờ đây, loài người chúng ta, sau một khoảng thời gian “dán mắt vào màn hình”, đang tìm cách thoát khỏi nó.

Nhưng rõ ràng là chuyện đó khó có thể xảy ra. Bởi vì chúng ta không còn đơn giản sử dụng màn hình cảm ứng nói chung cho việc giải trí, mà còn cho cả công việc, sự nghiệp và sự phát triển trong tương lai nữa.

Về bản chất, công nghệ màn hình cảm ứng không xấu, mà cách sử dụng công nghệ màn hình cảm ứng mới xấu. Và việc chúng ta vẫn sẽ phụ thuộc vào công nghệ trong tương lai là điều hiển nhiên, bởi vì chúng là những công cụ quá tuyệt vời. Giống như cảm giác yêu của con người vậy, mặc dù khó chịu, chán ghét, nhưng mà vẫn không bỏ được.

Vậy vì sao con người lại yêu thích công nghệ cảm ứng?

Cảm giác vừa mới lạ vừa thân thuộc

Con người chúng ta ngay từ khi xuất hiện đã được ban cho một trong những công cụ tuyệt vời nhất thế gian: Đôi bàn tay. Ta làm mọi việc từ nhỏ nhất như cầm nắm, sinh hoạt, lao động cho đến những việc lớn lao hơn như kiến thiết nền văn minh nhân loại, sáng tạo ra những công cụ mới để phục vụ cho chúng ta, trong đó có cả công nghệ cảm ứng.

Điểm đáng chú ý ở đây là, khi ta nhìn thấy một con ruồi ở trên mặt bàn, ta xác định vị trí của nó bằng cách chỉ vào nó, chạm vào nó, chứ không xác định bằng cách nói rằng con ruồi nằm ở mặt phẳng trên bàn, cách vị trí tay của mình 50cm và cách vị trí mép bàn 20cm.

Điều này là một trong những nhân tố chính giúp cho công nghệ màn hình cảm ứng trở nên thu hút.

Trước khi iPhone được ra mắt vào năm 2007, màn hình cảm ứng cũng đã từng được xuất hiện trên thế giới, tuy nhiên chưa thực sự được ứng dụng nhiều cũng như tạo được tiếng vang lớn.

Lý do mà iPhone 2G khi đó đã tạo nên một cơn sốt khủng khiếp chính là nhờ công nghệ cảm ứng đa điểm. Đúng như lời Steve Jobs nói: “Nó cứ như là phép màu vậy!”, nó giúp chúng ta có thể phóng to, thu nhỏ hình ảnh, chỉnh sửa, viết vẽ, thiết kế, giải trí,... chỉ bằng một hai cái vuốt nhẹ từ chính ngón tay của mình.

Màn hình cảm ứng đem lại cho ta cảm giác thân thuộc khi sử dụng đôi bàn tay, nhưng đồng thời cũng là sự mới lạ khi giúp ta khám phá được rằng đôi bàn tay của mình có thể tạo nên những thứ tuyệt vời hơn, kỳ diệu hơn, “digital” hơn.

Dễ dàng và tiện lợi

Đây là lợi thế khá rõ ràng của màn hình cảm ứng so với các công nghệ khác. Ngày trước, các công việc liên quan đến kỹ thuật số phức tạp đều được xử lý bằng các thiết bị cũng phức tạp không kém như bàn phím, chuột, nút điều hướng. Không những thế, đối với những người làm công việc như là liên quan đến thiết kế, diễn thuyết, giảng dạy, sự trực quan và sáng tạo là những yếu tố vô cùng quan trọng. Trong khi các thiết bị kể trên thì khá cứng nhắc và không thực sự linh hoạt cũng như thân thiện với người dùng.

Công nghệ cảm ứng ra đời với mục đích chính nhằm giải quyết vấn đề kể trên. Đối với ngành thiết kế, cảm giác viết vẽ bằng tay luôn luôn chân thực và chính xác hơn là dùng chuột. Từ đó mở ra nhiều cơ hội sáng tạo hơn cho người dùng. Còn đối với những người phải diễn thuyết thường xuyên, hẳn đã biết việc chuyển slide bằng chuột phiền phức như thế nào, trong khi hoàn toàn có thể làm điều đó chỉ bằng một cái vuốt nhẹ.

Để minh hoạ rõ nhất cho sự dễ dàng và tiện lợi của công nghệ cảm ứng, hãy nhìn vào trường hợp của điện thoại di động.

Ngày trước, khi nhân loại vẫn còn đang sử dụng điện thoại có bàn phím một cách thường xuyên, từ những việc đơn giản như phóng to, thu nhỏ hình ảnh, xem phim, lướt tìm danh bạ, cho đến những việc phức tạp hơn như truy cập internet, soạn thảo văn bản đều rất khó khăn cũng như gây phiền phức cho người dùng. Không những thế, một chiếc bàn phím thường chiếm đến ⅔ diện tích bề mặt của một chiếc điện thoại thông thường, đồng nghĩa với khả năng hiển thị bị hạn chế đi đáng kể.

Và cho đến năm 2007, iPhone 2G ra mắt, còn tiếp theo đó thì tất cả chúng ta đều đã biết.

Nhanh chóng và chính xác

Khi còn nhỏ, ta thường chỉ tay vào những món đồ mình thích mua, nhưng vẫn phải đi tới chợ hoặc siêu thị mới mua được. Còn ngày nay, chỉ cần ngồi một chỗ là bạn vẫn có thể lướt qua hàng chục shop quần áo, tham khảo hàng loạt các món ăn ngon khác nhau và đặt đồ chỉ bằng một lần chạm tay. Tất cả thật dễ dàng và tiện lợi.

Không những thế, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ cảm ứng, cảm giác viết vẽ trên màn hình cảm ứng giờ đây cũng chẳng hề thua kém so với viết vẽ trên giấy truyền thống, thậm chí còn tuyệt vời hơn.

Hàng loạt công nghệ khác nhau đã giúp cho độ trễ của nét bút khi viết trên màn hình gần như bằng không, cộng thêm những tiện ích mở rộng trong việc chỉnh sửa tài liệu giúp cho việc sử dụng màn hình cảm ứng để làm việc giờ đây đã dần dần thay thế cách làm truyền thống.

Người viết: Nghiêm Đông

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN